Thông báo tổ chức tại hè âm nhạc 2023
Young Hit young Beat tổ chức trại hè âm nhạc 2023 chủ đề Sắc Mầu với các nội dung dưới ...
Tiếng đàn làm khán giả có một ảo giác ma quái, làm họ phấn khích đến điên rồ, hơi thở ngừng lại, tim đập đến mức hoảng loạn ...
Trong lịch sử âm nhạc thế giới, nhạc sĩ người Ni-cô-lô Pa-ga-ni-ni (Niccolo Paganini) được đánh giá là một trong những người biểu diễn và sáng tác cho violon thành công nhất. Ông được mệnh danh là “Phù thủy của cây đàn violon”.
Pa-ga-ni-ni sinh ngày 27/10/1782, tại thành phố Genoa, nước Italy. Ông là nhà danh cầm và soạn nhạc tài hoa, một trong những người sáng lập dòng âm nhạc lãng mạn ở châu Âu. Ông là bạn cùng thời của Sô-panh, Lixt và nhiều nhạc sĩ tài năng khác.
Từ bé, Pa-ga-ni-ni đã có ngoại hình khá kì dị, cậu bé trông giống như con khỉ bởi có làn da nâu sẫm, tóc dài và quăn, người nhiều lông và tay chân rất dài, khi đứng, bàn tay có thể chạm tới đầu gối. Tuy vậy, cậu bé lại có đôi mắt đen lấp lánh và ẩn chứa trong đó một vẻ đẹp diệu kì.
Gia đình Pa-ga-ni-ni rất nghèo, cậu bé có thân hình gầy guộc vì ăn uống thiếu thốn. Đã thế, người cha lại rất tàn nhẫn, ông thường hành hạ, bắt Pa-ga-ni-ni phải chơi đàn violon ngoài phố để kiếm tiền.
Người dân Italia luôn tự hào rằng họ có tài năng âm nhạc ngay từ trong bụng mẹ. Họ nổi tiếng về lòng yêu thích, sự am hiểu cây đàn violon. Đất nước này có những nhà sản xuất violon giỏi nhất thế giới như Ni-cô-lô A-ma-ti (1596-1684), Giu-xep-pê Gac-nê-ri (1698-1744) và đặc biệt là An-tô-ni-ô Xtơ-ra-đi-va-ri (1644-1737). Hầu hết những cây đàn của họ sản xuất là những kiệt tác về nghệ thuật chế tạo nhạc cụ, là tài sản quí giá của đất nước Italia.
Khi Pa-ga-ni-ni lên 8 tuổi, ở thành phố Genoa là quê hương của cậu, người ta tổ chức một cuộc thi tìm kiếm những tài năng biểu diễn violon dành cho thiếu nhi dưới 15 tuổi. Vì muốn giành được giải thưởng lớn, cha của Ni-cô-lô là ông An-tô-ni-ô Pa-ga-ni-ni đã ép cậu phải tham dự cuộc thi mặc dù cậu còn rất nhỏ tuổi.
Một buổi sáng, trước khi đi làm, ông An-tô-ni-ô gọi con trai đến và đưa cậu bé một bản nhạc rất dài và khó, đó là một trong những tác phẩm bắt buộc của cuộc thi. Ông yêu cầu trong ngày hôm đó cậu phải tập xong phần đầu của bản nhạc. Do rất sợ cha, Pa-ga-ni-ni đã tập bản nhạc suốt cả buổi sáng. Nhưng đối với một cậu bé lên 8 tuổi thì bản nhạc đó thật là quá khó. Dù rất cố gắng, cậu cũng không thể nhớ hết và chơi chính xác được những phần đã tập. Buổi trưa đi làm về, ông An-tô-ni-ô bắt Pa-ga-ni-ni chơi lại đoạn nhạc đã tập. Thấy con đàn chưa trôi chảy và thành thạo, người cha giận dữ nhốt cậu vào nhà kho và không cho ăn. Cả buổi chiều cậu bé phải tiếp tục tập luyện bản nhạc một cách khổ sở trong nhà kho với cái bụng đói cồn cào. Đến tối, ông bố kiểm tra lại và vẫn chưa hài lòng về phần trình bày của con trai. Không hiểu rằng cậu bé đã nỗ lực hết sức, ông tàn nhẫn rút thắt lưng quật cho cậu một trận tơi bời. Người mẹ rất thương con, đợi đêm xuống khi ông bố ngủ say mới dám mang cho cậu bánh mì và nước uống. Trời lạnh buốt, cả đêm Pa-ga-ni-ni không sao ngủ được. Cậu căm thù cây đàn violon và nghĩ rằng vì nó mà mình bị cha hành hạ khổ sở.
Với cách dạy hà khắc đến tàn nhẫn của người cha, mặc dù không hề yêu thích, Pa-ga-ni-ni đã nhanh chóng luyện tập thành công tác phẩm để dự thi. Ngày thi đã đến, trong khi nhiều đứa trẻ ăn vận sang trọng, đi xe ngựa đến nhà hát tham gia cuộc thi thì cậu bé Pa-ga-ni-ni gầy gò và rách rưới phải đi bộ cùng cha đến nhà hát. Mọi người xôn xao, nhiều người lắc đầu khi thấy Pa-ga-ni-ni bước ra sân khấu. Cậu là đứa trẻ nhỏ bé, gầy gò và xấu xí tham dự cuộc thi. Không ai tin là tiết mục của cậu sẽ thành công. Khi tiếng đàn của Pa-ga-ni-ni vừa cất lên với những dòng âm thanh dữ dội và tuyệt đẹp, những âm thanh vô tận vút lên, chúng lung linh và huyền ảo tựa như cỗ xe của ông già Noel lướt trên bầu trời. Cả nhà hát thành phố đứng dậy nín thở theo dõi, hàng trăm cặp mắt không rời người nghệ sĩ tí hon cho đến khi bản nhạc kết thúc. Cậu bé đã vượt qua vòng thứ một để có mặt ở vòng hai với 7 thí sinh khác.
Pa-ga-ni-ni là thí sinh ít tuổi nhất lọt vào vòng hai, cậu phải thi với những đứa trẻ 14, 15 tuổi, con các gia đình giàu có, lại được học hành qui củ và được sự chăm sóc của cha mẹ. Với những giọt nước mắt uất hận vì không muốn tiếp tục bị cha hành hạ, Pa-ga-ni-ni đã chơi đàn với bản năng vô song và giành giải nhất cuộc thi tài năng violon của thành Genoa khi mới 8 tuổi.
Danh tiếng của Pa-ga-ni-ni sớm nổi lên trong giới âm nhạc thành Genoa và những thành phố khác. Cùng với cha, cậu thường đi biểu diễn khắp trong vùng để kiếm tiền nuôi gia đình. Nhận ra tài năng âm nhạc của Pa-ga-ni-ni, giám đốc nhạc viện thành Pacma là Phec-đi-nan Paec đã nhận hướng dẫn Pa-ga-ni-ni về các kĩ thuật biểu diễn và sáng tác âm nhạc. Sự nghiệp của chàng trai còn chịu ảnh hưởng sâu sắc của các nhạc sĩ Cô-re-li, Vi-van-đi, Pu-nhi-ani, Vi-ôt-ti và Tac-ti-ni. Với tài năng thiên bẩm cộng với tinh thần ham học, chẳng mấy chốc, Pa-ga-ni-ni đã được mệnh danh là nhạc sĩ có đôi tai thần diệu, có đôi bàn tay vàng, có khả năng chơi đàn ở mức độ tuyệt kĩ và là Thầy phù thủy của cây đàn violon.
Tuy nhiên khi tiếng tăm của Pa-ga-ni-ni càng nổi thì ông lại càng có nhiều kẻ thù. Năm 18 tuổi, Pa-ga-ni-ni gia nhập tổ chức Cac-bô-na-ri, biểu tượng của ý chí độc lập, tự do của nhân dân Italy trước họa xâm lăng của quân đội Pháp. Pa-ga-ni-ni thường xuyên bị chính quyền thân Pháp theo dõi. Ông được nhân dân Italy và công chúng yêu nhạc châu Âu yêu thích bao nhiêu thì lại bị những kẻ đố kị trong giới giáo hội phản động và những kẻ bất tài trong giới âm nhạc căm ghét bấy nhiêu. Một số sinh viên dốt nát tại nhạc viện Pacma rất căm tức tài năng của Pa-ga-ni-ni. Chúng thường xuyên viết thư nặc danh,vu cáo, hăm dọa chàng nhạc sĩ trẻ tuổi.
Pa-ga-ni-ni nhanh chóng đứng vào hàng ngũ những nhà sáng tác và biểu diễn violon xuất sắc nhất của Italy. Ông tự cải tiến cây violon của mình theo cách mà từ trước chưa có ai thực hiện, đó là mắc dây đàn xen-lô, sử dụng chiếc vĩ dài gần gấp đôi bình thường. Pa-ga-ni-ni còn là người chơi ghi-ta rất tuyệt, nhưng hiếm khi ông biểu diễn ghi-ta trước công chúng. Trong lĩnh vực sáng tác, Pa-ga-ni-ni đã có nhiều cách tân táo bạo, vì thế ngôn ngữ âm nhạc của ông rất mới lạ so với những tác phẩm khác. Đối với công chúng, những sáng tác của ông rất khó hiểu, khó hiểu đến nỗi người đương thời nghĩ là do một ma lực siêu nhiên nào đó đã nhập vào người ông.
Pa-ga-ni-ni đã tham gia nhiều cuộc thi về biểu diễn violon và dường như ông không có đối thủ xứng tầm. Ông đã biểu diễn ở hơn 40 thành phố của châu Âu và tiếng tăm ngày càng vang dội. Trong các cuộc thi hay biểu diễn, nhiều lần Pa-ga-ni-ni bị kẻ thù hãm hại nhưng ông vẫn khẳng định mình là tay violon số một của Italy.
Một lần, Pa-ga-ni-ni nhận lời đến thành phố Livorno để thi biểu diễn violon với nghệ sĩ tài năng người Pháp là Mac-xen. Cuộc thi diễn ra tại nhà hát thành phố vào tối thứ bảy, nhân dịp ra mắt của viên lãnh sự nước Anh. Như các lần thi trước, Pa-ga-ni-ni đều giành thắng lợi nên ông có phần chủ quan. Buổi sáng, Pa-ga-ni-ni vẫn cùng một người bạn ra ngoại ô đi săn, đến chiều mới trở về nhà trọ.
Trong khi Pa-ga-ni-ni đi vắng, kẻ thù của ông là Nô-vi và Gác-đi, những người đã từng học với ông ở nhạc viện Pacma, đã thuê gã dọn phòng ở nhà trọ vào lấy cắp đôi giày và cứa gần đứt những chiếc dây đàn trên chiếc violon của ông.
Khi trở về nhà trọ chuẩn bị cho cuộc thi vào buổi tối, Pa-ga-ni-ni kiểm tra lại cây đàn nhưng không phát hiện ra những sự bất thường. Ông cho rằng mọi thứ vẫn ổn. Sắp tới giờ đến nhà hát, Pa-ga-ni-ni tìm đôi giày và ngạc nhiên vì không thấy, ông đành chạy xuống hiệu giày ở góc phố mua một đôi. Điều này đã nằm trong những tính toán của kẻ thù. Lão chủ hiệu được Nô-vi và Gác-đi thuê đã đưa cho Pa-ga-ni-ni một đôi giày khá đẹp vừa với chân ông, nhưng chúng được đóng thêm vào dưới gót những chiếc đinh dài hơn bình thường. Tuy nhiên lúc thử giày, do còn tấm đệm chân và chưa bước mạnh nên Pa-ga-ni-ni không phát hiện ra âm mưu đó.
Pa-ga-ni-ni mang cây đàn xuống đường phố và gọi một chiếc xe ngựa. Không may cho ông là chẳng có chiếc xe nào chạy vào đường đó. Vội vã, ông rảo bước đến nhà hát thành phố. Đi một quãng, chân Pa-ga-ni-ni bắt đầu đau nhói vì những chiếc đinh đã xuyên qua tấm đệm, đâm vào bàn chân. Ngừng lại giây lát, dựa lưng vào tường, ông kiểm tra lại đôi giày, những chiếc đinh xuyên lên làm bàn chân ông chảy máu. Không có cách nào nhổ chúng ra, đường phố thì đầy tuyết trộn lẫn bùn đất, không thể cởi giày ra được. Đành vậy, ông tiếp tục rảo bước trong tiết trời giá lạnh, mồ hôi đẫm khuôn mặt và máu đầy bàn chân.
Pa-ga-ni-ni tới nhà hát khi cuộc thi sắp bắt đầu. Lời giới thiệu về chương trình biểu diễn đã làm khán giả vỗ tay vang dội. Họ mong chờ giây phút này đã lâu, cuộc thi giữa hai nghệ sĩ violon thuộc loại xuất sắc nhất của hai nước láng giềng Italy và Pháp.
Cuộc thi diễn ra trên đất Italy nhưng Pa-ga-ni-ni lại gặp nhiều bất lợi. Vô số kẻ thù của ông có mặt ở đó, chúng huýt sáo la ó khi ông xuất hiện trên sân khấu. Theo qui định, cuộc thi gồm ba phần; phần một hai nghệ sĩ lần lượt chơi bản Sô-nát của Tac-ti-ni; phần hai họ sẽ biểu diễn một sáng tác của mình; phần ba một người sẽ phải ứng tác theo chủ đề của người kia.
Mac-xen bước ra sân khấu và chơi phần thứ nhất, tiếng đàn và những kĩ thuật điêu luyện của nghệ sĩ người Pháp đã thể hiện rất thành công bản Sô-nát của Tac-ti-ni. Pa-ga-ni-ni giật mình vì tài năng của Mac-xen, ông tự nhủ, mình đã gặp một đối thủ lớn.
Tới lượt Pa-ga-ni-ni, ông bước ra sân khấu với đôi chân tập tễnh. Nhiều tiếng la ó nổi lên vì khán giả nghĩ ông đang đùa cợt. Ông tiến lên phía trước, mặt hơi tái vì vết thương và đứng yên lặng giây lát. Chợt Pa-ga-ni-ni nghiêng người đặt cây đàn lên vai, những âm thanh vút lên, tiếng xì xào im bặt. Pa-ga-ni-ni đã trình bày phần mở đầu bản Sô-nát rất khó khăn bởi đau đớn, mệt mỏi và căng thẳng. Nhưng dần dần, ông bị lôi cuốn bởi những âm thanh do mình tạo ra. Pa-ga-ni-ni như quên đi chính bản thân mình, quên đi nỗi đau đớn về thể xác. Trong đầu ông, xung quanh ông chỉ còn tràn ngập những âm thanh. Đến cao trào của bản nhạc, khi Pa-ga-ni-ni kéo mạnh chiếc vĩ vào dây đàn, một tiếng khô khốc vang lên, một dây đàn bị đứt. Khán giả ồ lên nhưng họ lại nhanh chóng im lặng, bởi họ thấy Pa-ga-ni-ni chỉ thoáng dừng lại rồi tiếp tục chơi đàn như không có chuyện gì xảy ra. Thể hiện bản Sô-nát của Tac-ti-ni trên cây đàn violon đủ 4 dây cũng đã là việc khó ngay với cả những nghệ sĩ bậc thầy. Khi đàn đứt một dây, việc đó càng khó gấp bội. Với ba dây còn lại, hai tay của Pa-ga-ni-ni buộc phải chuyển động nhanh hơn, vươn những quãng xa hơn để bù lại cho sự thiếu hụt đó. Dòng máu Pa-ga-ni-ni như trào sôi, khả năng phi thường của ông đã bùng lên trong hoàn cảnh khó khăn nhất. Bản nhạc kết thúc trong sự nghẹt thở của khán giả, họ vừa được chứng kiến sự xuất thần của nghệ sĩ người Italy.
Pa-ga-ni-ni lui vào trong sân khấu khi Mac-xen trình bày phần thi thứ hai, Mac-xen đang biểu diễn một sáng tác của mình. Pa-ga-ni-ni nhờ một người phục vụ đi tìm cho ông một chiếc dây đàn để thay chiếc bị đứt. Một lát anh ta quay lại và nói rằng không tìm được chiếc dây nào thay thế.
Thế là, Pa-ga-ni-ni lại bước ra sân khấu để biểu diễn một sáng tác của mình khi cây violon chỉ còn 3 dây. Ông chơi khúc biến tấu theo chủ đề bài Cac-ma-nhon. Ông như một chiến binh trên chiến trường, đang mang trên mình những nỗi đau đớn về thể xác và sự hằn học của kẻ thù. Vũ khí của ông- cây đàn cũng không còn nguyên vẹn. Pa-ga-ni-ni hiểu rằng mình đang tham dự một cuộc thi khó nhăn nhất, căng thẳng nhất và ông cần phải chiến thắng. Với lòng dũng cảm, sự quyết tâm và tài năng âm nhạc đặc sắc, tiếng đàn vút lên làm sửng sốt khán giả. Họ nhận ra cây đàn của ông chỉ còn ba dây nhưng âm thanh của nó như được phù phép làm họ bị mê hoặc. Lần nữa, đến cao trào của khúc biến tấu, dòng âm thanh đang lên chỗ cao nhất, mạnh nhất thì dây đàn thứ hai lại đứt phựt. Cả nhà hát lặng đi, rồi như một làn sóng, người ta gào lên, dường như không ai còn giữ được bình tĩnh nữa. Số dây đàn càng thiếu thì người nghệ sĩ càng khó thể hiện được tư tưởng của tác phẩm. Nhưng Pa-ga-ni-ni vẫn thản nhiên, dường như ông đã biết trước được những thử thách đang đợi mình. Trong khó khăn tài năng của ông càng bộc lộ. Vả lại, đây là bản nhạc của ông, vì thế ông được thoả sức sáng tạo trên cây đàn mình có. Có lẽ chưa bao giờ người ta lại thấy một nghệ sĩ chơi đàn violon chỉ với 2 dây mà lại xuất sắc thế. Bản nhạc kết thúc trong sự ngạc nhiên đến tột độ, những tiếng la ó hoàn toàn bị át đi bởi tiếng vỗ tay vang dội.
Phần thi thứ ba cũng là phần cuối, cả hai nghệ sĩ cùng ra sân khấu. Pa-ga-ni-ni vẫn để nguyên chiếc đàn đứt hai dây, ông đàn một chủ đề ngắn để Mac-xen trình bày khả năng ứng tác của mình. Nghệ sĩ người Pháp chơi phần ứng tác rất hay và sáng tạo, ông ta xứng đáng nhận được những tràng vỗ tay, những lời tán thưởng từ khán giả. Nhưng với những người sành nhạc, như thế vẫn là chưa đủ. Họ đang chờ xem Pa-ga-ni-ni sẽ làm gì với cây đàn chỉ còn hai dây khi phải ứng tác trước chủ đề của Mac-xen.
Mac-xen biết cây đàn của Pa-ga-ni-ni chỉ còn hai dây nhưng ông ta lại đưa ra một chủ đề rất hóc búa. Nét giai điệu với những âm luyến láy, những âm liền bậc và cả những quãng chạy hợp âm rất xa. Chủ đề vừa dứt, Pa-ga-ni-ni lướt nhanh chiếc vĩ trên dây đàn, ông tái hiện lại chủ đề rồi phát triển nó rất hay và độc đáo. Pa-ga-ni-ni thầm nghĩ rằng, ông sẽ chơi cho đến khi cây violon đứt hết dây, vì thế tiếng đàn vút lên vô cùng dữ dội, mạnh mẽ và táo bạo. Khán giả không ai còn ngồi yên trên ghế được nữa. Họ đứng cả dậy như bị thôi miên, mắt mở to dán chặt vào người nghệ sĩ đang say sưa chơi nhạc trên sân khấu. Ông ta dường như không phải là người bình thường, dường như có hàng trăm bàn tay, hàng trăm chiếc vĩ đang cùng điều khiển cây violon, làm cho dòng âm thanh phát ra như có hàng trăm cây đàn cùng hoà giọng. Tiếng đàn làm khán giả có một ảo giác ma quái, làm họ phấn khích đến điên rồ, hơi thở ngừng lại, tim đập đến mức hoảng loạn.
Âm thanh của khúc ứng tác đã kết thúc mà mọi người vẫn còn như chưa sực tỉnh. Mất một hồi lâu, những tràng vỗ tay và những tiếng kêu mới nổi lên như sấm, không còn nghe thấy gì ngoài tiếng vỗ tay. Giống như một chiến binh đã chiến đấu vô cùng dũng cảm, khi tiếng vỗ tay vang lên cũng là lúc Pa-ga-ni-ni đã kiệt sức. Ông đã chơi đàn với tất cả sức lực của mình cả về tinh thần lẫn thể xác, chút năng lượng cuối cùng dường như đã cạn. Ông lảo đảo vì mất nhiều máu và căng thẳng, bàn chân đau buốt và tê dại, cây đàn suýt rời khỏi tay. Mọi người xô tới, nhưng Mac-xen đứng gần đó đã nhanh hơn, nghệ sĩ người Pháp đỡ lấy ông, cầm một tay Pa-ga-ni-ni giơ lên cao, dấu hiệu của người chiến thắng rồi dìu ông vào sau sân khấu.
Sau cuộc thi thành công và vô cùng kì diệu đó, nhiều báo chí ở Italy, ở Pháp, ở Anh và nhiều nước châu Âu đã gọi Pa-ga-ni-ni là “Thầy phù thủy của cây đàn violon”. Chẳng nghệ sĩ nào nghĩ đến chuyện thi tài với Pa-ga-ni-ni nữa. Họ chỉ mong muốn được nghe tiếng đàn của ông, muốn bị thôi miên bởi tiếng đàn, muốn được run rẩy trước những cảm xúc kì lạ mà tiếng đàn mang đến. Người ta tin rằng, dù cây violon chỉ có một dây, ông vẫn có thể chơi hay hơn nhiều nghệ sĩ nổi tiếng với những cây đàn có đủ bốn dây.
Pa-ga-ni-ni là con người lạ thường về ngoại hình, về tính cách và khả năng biểu diễn, sáng tác âm nhạc. Với nhiều người, âm nhạc của ông quá khó hiểu, rất khó để biểu diễn, vì thế người ta thường đánh giá khả năng biểu diễn của ông cao hơn khả năng sáng tác âm nhạc.
Có nhiều ý kiến khác nhau về cuộc đời và sự nghiệp âm nhạc của Pa-ga-ni-ni. Tuy nhiên lời đánh giá của nhà lí luận âm nhạc người Pháp Caxtin Bơ-lát (1784-1857) có lẽ xác đáng hơn cả: Pa-ga-ni-ni là nhà bác học, những nét nhạc của ông cũng vĩ đại như việc phát kiến ra thế giới hay vùng đất mới, chúng là kết quả của những kiến thức âm nhạc và quá trình tìm tòi gần như siêu phàm. Pa-ga-ni-ni là người duy nhất trong thế giới âm nhạc, là hiện tượng có giá trị đặc biệt. Cây đàn như biết nói tiếng của con người, nó dễ hiểu với tất cả mọi người song chỉ có mình ông mới có thể bắt nó nói tiếng ấy. Vượt qua mọi sức tưởng tượng của con người, chiếc vĩ của Pa-ga-ni-ni như chiếc đũa thần đã chinh phục thế giới.
Young Hit young Beat tổ chức trại hè âm nhạc 2023 chủ đề Sắc Mầu với các nội dung dưới ...
Nằm trong các hoạt động thường kỳ của trại hè 2020, ngày 25/7/2020 các con đã có một ngày dã ...
Cùng cập nhật các hoạt động tuần thứ 2 tại trại hè âm nhạc 2020 tại Young Beat School of Music